Chắc hẳn đối với chúng ta, những người đã từng trải qua thời kỳ bao cấp đều bị ám ảnh bởi chế độ tem phiếu với câu nói: "Buồn như mất sổ gạo"...
"Tôi sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp, tuổi thơ tôi in đậm hình ảnh thời kỳ này. Tôi không có ý định lên án, chỉ trích hay than thở về những khó khăn của thời bao cấp. Mỗi thời kỳ lịch sử có sứ mạng của nó và có những lý do để nó tồn tại.
Tôi nhớ lại thời kỳ này với nỗi thương yêu và sự khâm phục cha mẹ tôi và những người lớn cùng thời của họ. Khó khăn là thế, thiếu từ những cái nhỏ nhất, vậy mà họ vẫn vượt qua, vẫn sống trong sạch và điều vĩ đại nhất là họ vẫn nuôi dạy chúng tôi nên người. Sống trong thời đại ngày nay, với điều kiện kinh tế tương đối tốt, và nhất là khi đã có gia đình và làm cha làm mẹ, tôi mới cảm nhận hết những gì cha mẹ tôi đã vượt qua trong thời bao cấp xa xôi ấy.
Hẳn các bạn còn nhớ câu: Buồn như mất sổ gạo. Tôi thì còn cảm nhận được nó một cách trung thực nhất, sống động nhất. Hôm ấy, mẹ tôi dậy sớm để đi xếp hàng mua thực phẩm. Trời mùa hè, nắng và oi bức, mãi gần 12 giờ trưa bố con tôi vẫn chưa thấy mẹ về. Cả nhà sốt ruột vì đã đến giờ cơm trưa. Rồi tôi nhìn thấy mẹ, thẫn thờ, mặt trắng bệch, dắt xe đạp đi vào nhà. Tôi không bao giờ quên khuôn mặt mẹ tôi lúc ấy: Nước mắt còn đọng trên mi, khuôn mặt ngơ ngác và thất thần. Mẹ chỉ nói được câu: Mất hết rồi… rồi oà lên khóc. Khi mẹ đã bình tâm lại, cả nhà mới biết, khi mẹ xếp hàng mua thịt thì bị rạch túi và kẻ gian đã lấy sạch tem phiếu và tiền. Ngày ấy, mất hết tem phiếu là cả nhà nhịn ăn nhịn mặc cả tháng. Mẹ tiếc của quá không đi nổi xe đạp về nhà, cứ vừa dắt xe về vừa khóc.
Thế đấy, cho dù giờ đây, hai chữ bao cấp như một ký ức xa xôi của mỗi người đã sống qua thời kỳ đó, tôi vẫn nhớ đến nó. Và tôi khâm phục tất cả những ai đã sống vượt qua thời kỳ đó trong đó có cha mẹ tôi."
Trích nguyên văn tác phẩm "Ký ức khó quên" - tác giả Nguyễn Hồng Vân trong "Chuyện thời bao cấp do nhiều tác giả kể".