Thời bao cấp mà ông cha ta đã trải qua có rất nhiều điều khác với bây giờ, ngay từ chuyện nuôi hay thịt lợn. Cho đến bây giờ, khi nhớ về những câu chuyện dở khóc dở cười với con lợn ngày ấy, nhiều người vẫn rưng rưng xúc động cho một thời gian khó ấy.
Lợn nhà dân nuôi nhưng thuộc quyền sở hữu của Nhà nước
Trong bài viết Nuôi lợn thời bao cấp, sách Chuyện thời bao cấp (xuất bản năm 2017) tác giả Hiệu Minh cho biết những năm 1960, hộ dân nào nuôi lợn cũng phải đăng ký với chính quyền. Do nhu cầu cung cấp lương thực cho tiền tuyến trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, gia đình nào nuôi được lợn phải bán cho Nhà nước. Người dân không được tự ý giết mổ lợn bất kể nhà có đám vui buồn cũng cấm. Chỉ có trang trại chăn nuôi và cửa hàng thực phẩm Nhà nước mới được phép giết mổ lợn và bán phân phối cho cán bộ, công nhân viên.
Chính vì vậy, mỗi dịp Tết đến, các hộ nuôi lợn trong làng, xã thường bàn nhau vài gia đình "đụng" chung một con lợn, nhưng phải đụng trộm, hành động thật kín kẽ, tránh để chính quyền địa phương phát hiện được thì sẽ bị tịch thu và bị phạt. Việc ấy thường được hành động nhanh gọn vào lúc 2-3h sáng, khi các nhà chức trách vẫn còn đang yên giấc. Sau khi con lợn được phân chia đều cho từng nhà, bãi chiến trường được dọn dẹp một cách thật sạch sẽ, nhà nào về nhà nấy tuyệt nhiên không ai nói năng gì để không bị lộ tẩy.
Khi ấy, nhà có thịt nhưng phải giấu lũ trẻ không cho chúng biết, tránh để những đứa trẻ ngây thơ vô tình làm lộ cơ sự của bao người thì cái Tết mất vui.
Mổ lợn phải có giấy phép và nộp thuế sát sinh
Sau năm 1975, khi đất nước đã thống nhất thì chính quyền cho phép người dân được phép mổ lợn nhưng phải xin giấy phép của UBND xã và nộp thuế sát sinh. Mặc dù vậy, cũng chẳng ai dại gì đi nộp thuế vài đồng một đầu lợn, trong khi cả con lợn chỉ được vài chục đồng, vậy nên việc mổ lợn chui vẫn diễn ra nhiều.
Tuy nhiên, thời đói nghèo ấy, cũng chỉ có các hộ khá giả mới có lợn mà mổ, mà ăn vào dịp Tết, còn đa phần người nghèo thì cũng chỉ tích góp tiền mua được ít thịt ở thị trường đen về kho hay rang thật mặn để cho có Tết.
Lo lợn ốm hơn lo chồng ốm
Thời bao cấp đồng lương không đủ sống nên công chức, giáo viên ở thành phố rầm rộ nuôi lợn, nuôi gà như một cách cải thiện thu nhập. Nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn, nhà cao tầng tập thể cũng như nhà cấp bốn xập xệ. "Thủ trưởng lợn" được nuôi trong nhà tắm, nhà vệ sinh, được chăm bẵm cẩn thận, lợn ốm còn lo hơn chồng con ốm. Thời ấy, mở mắt ra là đã ngửi thấy đâu đâu cũng có mùi phân lợn. Lũ trẻ chơi đùa, học tập nhưng văng vẳng bên tai là tiếng lợn kêu eng éc.
Phó giáo sư Văn Như Cương khi ấy là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Đi Liên Xô về, ông bảo vệ thành công luận án và trở thành Phó Tiến sĩ, nhận lương 74 đồng mỗi tháng. Vợ chồng ông đi dạy chật vật nuôi ba đứa con. Gạt đi sĩ diện của trí thức, ông cũng nuôi lợn. Thức ăn là cuống rau, cám, bã rượu. Ông nhịn cả nước mắm phân phối để dành cho lợn mỗi khi kém ăn.
Mỗi tháng lợn tăng được vài kg, ông "quy thịt tính ra tiền" được hơn 70 đồng, đúng bằng lương ông thời ấy. Bạn bè đến chơi, thầy Cương bảo nhà có hai Phó Tiến sĩ, ông là một, con lợn là hai. Phó Tiến sĩ Cương thi thoảng còn kêu ca, chứ "Phó Tiến sĩ" kia chỉ ăn và ủn ỉn.
Để lợn ăn khỏe, chóng lớn, người ta thường hoạn lợn, vì vậy nghề hoạn lợn cũng là một nghề kiếm sống được ở thời gian này. Mỗi lần khi nghe thấy tiếng rao "Ai hoạn lợn đi" của một ông chú đạp xe qua đường là lũ trẻ con lại ùa ra, kéo nhau đến xem con lợn của nhà nào hôm nay bị hoạn. Trẻ con ngày ấy cứ vô tư, hồn nhiên mà đi xem những chuyện tế nhị như thế đấy.
Trải qua mấy mươi năm, kinh tế đất nước đã phát triển hơn rất nhiều. Dù bây giờ, không còn gia đình nào không đủ tiền mua thịt lợn nữa nhưng những câu chuyện cũ khi xưa vẫn còn in sâu trong tâm trí những người đã từng trải qua thời kỳ bao cấp.