Phích nước Rạng Đông là một vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình thời bao cấp. Vượt lên trên cả một vật dụng dùng trong sinh hoạt thông thường, chiếc phích nước Rạng Đông còn gắn liền với bao ký ức huyền thoại thời bấy giờ...
1. Nguồn gốc, công dụng của phích nước Rạng Đông
Theo tư liệu của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, trong thời kỳ khôi phục kinh tế ở miền Bắc mới được giải phóng, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã đích thân lựa chọn xây dựng 13 nhà máy sản xuất công nghiệp đầu tiên để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Những nhà máy này sản xuất tất cả những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống như từ chiếc săm lốp xe đạp, bánh xà phòng giặt, bánh thuốc đánh răng, cái bát đĩa, vải, giấy và tới cả bao diêm Thống Nhất,... Cũng trong dịp đó, Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được quyết định xây dựng.
Những chiếc phích nước Rạng Đông đầu tiên xuất hiện từ thập niên 50 của thế kỷ trước, tính đến nay cũng được khoảng 60-70 năm rồi. Chiếc phích được ưa sử dụng ở miền Bắc để đựng nước nóng pha trà, pha bột, tắm giặt cho trẻ em, trong mỗi gia đình đều có ít nhất từ 1 đến 2 chiếc phích. Đặc biệt, miền Bắc mỗi năm đón ít nhất từ 3-4 tháng lạnh nên chiếc phích càng là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày.
2. Phích nước Rạng Đông đã từng là "món quà cưới huyền thoại" thời bao cấp
Có lẽ vì công dụng và độ cần thiết bậc nhất của chiếc phích nước Rạng Đông mà chúng đã vô tình trở thành một món quà mừng cưới, mừng tân gia thường lệ thời bấy giờ. Thời ấy, văn hóa mừng cưới bằng vật dụng cụ thể phổ biến trong xã hội. Mỗi khi có đám cưới trong làng, người ta lại thấy đoàn người kéo nhau đi dự lễ cưới, người thì cầm gối, người mang màn, người mang bộ ấm chén, và đặc biệt không thể thiếu một vài người mang phích nước Rạng Đông.
Một chiếc phích nước Rạng Đông ngày ấy có giá khoảng 7-8 đồng, cũng là một món quà cưới vô cùng giá trị cho các cặp vợ chồng trẻ.
3. Câu chuyện Bác Hồ tới thăm xưởng sản xuất phích nước Rạng Đông
Sáng ngày 28/4/1964, nghe tin nhà máy Rạng Đông có sự mất đoàn kết nội bộ, Bác Hồ đã trực tiếp ghé thăm xưởng sản xuất. Tại đây, Bác đã có những lời dặn dò, chỉ bảo sâu sắc với toàn thể cán bộ công nhân của nhà máy này.
Bác hỏi đồng chí Bí thư Đảng ủy:
- Ở đây có mất đoàn kết không chú?
- Thưa Bác, có ạ.
Bác thân tình nói: “Đoàn kết là một truyền thống quý báu của nhân dân ta, Đảng phải có trách nhiệm giữ vững khối đoàn kết đó. Tại sao ở đây lại có tình trạng mất đoàn kết. Đoàn kết là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Nhà máy...". Sau đó Bác dặn: “Tổ chức chính quyền cần có kế hoạch, biện pháp sát đúng. Tổ chức thật tốt bộ máy quản lý, đội ngũ những người làm công tác khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đó là ý thức giai cấp, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân”.
Khi đi đến các phân xưởng, Bác luôn hỏi: “Chất lượng hôm nay đã tốt hơn chưa? Mỗi ngày các cháu làm được bao nhiêu phích, bao nhiêu bóng đèn?". Bác hỏi đồng chí Giám đốc Nhà máy:
- Chú làm Giám đốc, trong bữa ăn tối của gia đình, bóng đèn bị hỏng, chú có bực không?
- Thế thì mọi người dùng bóng đèn kém chất lượng họ cũng bực như chú ấy.
Những câu dặn dò, chỉ bảo nhẹ nhàng của Bác giúp những người cán bộ, công nhân sản xuất hiểu hơn về trách nhiệm với chất lượng sản phẩm và ý nghĩa của tinh thần đoàn kết.
Dù thời bao cấp đã qua đi hơn 40 năm, nhưng những câu chuyện, những ký ức của người dân Việt Nam về chiếc phích nước Rạng Đông cũ ngày ấy vẫn còn đó. Nếu bạn muốn một lần tìm về những ký ức của thời bao cấp với chiếc phích nước Rạng Đông cổ, hãy dành thời gian ghé Bò Tơ Quán Mộc nhé!